kết nối mọi thành viên VĂN.A-K7
kết nối mọi thành viên VĂN.A-K7

kết nối mọi thành viên VĂN.A-K7

công cụ kết nối những người bạn
 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập
Nội quy diễn đàn liên tục thay bổ sung và thay đổi,đề nghị các thành viên liên tục kiểm tra, góp ý và chấp hành nghiêm chỉnh

Share
 

 Xưa kia chị đẹp nhất làng

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
phamtinh202
trứng
trứng
phamtinh202

Tổng số bài gửi : 53
Join date : 22/02/2012

Xưa kia chị đẹp nhất làng Empty
Bài gửiTiêu đề: Xưa kia chị đẹp nhất làng   Xưa kia chị đẹp nhất làng I_icon_minitimeSun Mar 11, 2012 6:48 pm

Xưa kia chị đẹp nhất làng TrentraiXưa kia chị đẹp nhất làng Trenphai
Xưa kia chị đẹp nhất làng


» Tác giả: Tạ Duy Anh
» Thể lọai: Truyện ngắn


1.

Ngày ấy, chị Túc xinh lắm, ở vào tuổi mười tám chị tươi rói như một bông hoa. Với thân hình thon thả, bờ vai chị tròn trịa, lẳn trong chiếc áo màu nâu tươi. Không biết bao nhiêu cặp mắt si mê đã đậu vào đó. Không biết bao nhiêu lời mây gió đã thoảng qua tai chị.

- Dừng lại đã nào...

Tiếng một trai làng đuổi theo chị như tiếng gọi khắc khoải bật ra từ nơi sâu thẳm của một lồng ngực bị dồn ép. Chị Túc từ từ quay lại. Cặp môi chín mọng của chị khẽ mở ra, để lộ một nụ cười có sức hút mê mệt. Cặp mắt giống hai miếng cau bổ khéo của chị chớp chớp nhìn xuống đất. Chị xinh đẹp nhưng chẳng tự kiêu chút nào. Đáp lại tiếng gọi, chị chờ đợi. Nhưng rồi người gọi dường như kính sợ trước một hình ảnh quá xa vời tựa cái ảo ảnh của một giấc mơ còn sót lại, cứ đứng ngây ra trước mặt chị...

Chiều nào chị Túc cũng có mặt bên giếng nước. Người ta bảo con gái nết na không dám soi mình vào gương. Mỗi lần cúi xuống kéo gầu nước, chị bồn chồn với chính hình ảnh của chị tận đáy giếng. Sóng nước chập chờn, lung lay đùa giỡn với chị. Bất chợt chị ngước lên, phá ra cười một mình. Tiếng cười của chị vô tư như chính vẻ đẹ duyên dáng của chị. Thoáng cái đã thấy chị gánh hai thùng nước, chân trắng trần bước đi mền mại. Lại có ai đó gọi, chị Túc nghiên nghiêng mái đầu thay cho lời đáp.

Trai làng lần lượt lên đường. Chiến tranh thò bàn tay vào lôi tuột đi các chàng trai mới chớm tuổi mười tám. Chị Túc sang tuổi hai mươi rồi hai lăm lúc nào chị không nhớ. Mỗi lần tiễn thanh niên lên đường là mỗi lần chị Túc khóc cạn nước mắt.

Những đơn vị bộ đội ở đâu ầm ầm kéo đến làng tôi, ở lại vài tháng đủ để thương để nhớ. Rồi một buổi sáng nào đó khi chúng tôi tỉnh dậy họ đã biết đi như có phép. Một lần tôi thấy mẹ tôi vừa đọc thư vừa sụt sùi lau nước mắt. Mẹ chỉ bảo tôi thư của chú Kiều từng ở nhà tôi. Lúc vắng mẹ, tôi mở trộm thư ra đọc. Tôi đánh vần cho bọn trẻ cùng làng đang tròn mắt ra nghe.

"... Cả tiểu đoàn em qua khỏi Quảng Trị chỉ còn vài chục người. Tụi nó đánh ác lắm chị ơi! Cả một vùng đất rộng mênh mông bị cày đi xới lại đến nỗi biến thành một thứ bột màu thuốc súng...".

ở cuối thư, sau khi đã "vĩnh biệt chị và các cháu" chú Kiều còn "à quên cho em gửi lời chào đến cô Túc".

Ngày ấy, chúng tôi chưa hình dung được sự khốc liệt của những dòng miêu tả đó. Chiến tranh như con ngáo ộp mà chúng tôi rất sợ nhưng sẵn sàng cợt nhả trở lại. Hôm sau mẹ tôi đưa thư cho chị Túc. Chị nằm xoài ra giường hết lật sấp lại lật ngửa tờ giấy. Dường như lời thăm hỏi của chú Kiều chỉ là cái vỏ. Chị muốn tìm cái "bên trong" kia! Lúc chị trả lại thư cho mẹ tôi, khuôn mặt chị thoáng một chút bần thần. Nhưng cũng giống tụi trẻ chúng tôi, chị Túc không có nhiều thời gian để mà vẩn vơ. Cả làng lại cuốn vào đủ thứ lo toan để đón một đonà quân khcs. Các chú bộ đội cỡ tuổi chị Túc thường mượn cớ đến nhà tôi đánh cờ, nhưng hễ chị Túc bước vào là bàn cờ lập tức thuộc về chúng tôi. Chúng tôi có thể tùy ý đổi chỗ quân tốt cho quân tướng, thậm chí có thể đút cả xe, pháo, mã... vào túi đem ra chỗ khác chơi trò lăn bánh xe...

Sau mấy tháng, đơn vị bộ đội lại biến mất. Làng tôi lại hẫng đi độ nửa tháng, buồn nhớ mênh mông. Cảm giác trống vắng lây sang cả tụi trẻ con chúng tôi. Rồi cả làng lại ầm lên những tiếng hỏi nhau. Đây là khi thư của các chú bộ đội gửi trở lại. Từng đám, từng túm quây lại hướng về ai đó đang căng lá thư ra đọc oang oang.

Những gương mặt lo âu, mừng tủi, đan cài vào nhau tùy theo lứa tuổi. Chị Túc cũng nhận được một lá. Một lá thư đề ngoài bì dòng tên chị, viết hoa bằng nét chữ trận mạc. Ngay tối đó, chị đếm tìm mẹ tôi. Tuy mẹ tôi chỉ hơn chị dăm tuổi nhưng chị Túc phải gọi gằng thím. Dưới ánh lửa chập chờn của đêm tàn đông, gương mặt chị trở nên nghiêm trang sâu sắc lạ thường. Chừng lâu lâu im lặng, chị Túc lập cập lôi từ lồng ngực ra tấm phong bì tự gập. Chị liếc nhìn ôi giọng thì thào:

- Thằng cu ngủ chưa?

- Chơi cả ngày, đặt mình xuống là ngủ như chó - tiếng mẹ tôi.

- Cháu có chuyện này muốn nói với thím - giọng chị Túc phập phồng. Tuy mắt vờ nhắm nghiền nhưng tôi biết mẹ tôi đang tóm lá th từ tay chị Túc. Mẹ tôi kéo ngọn đèn gần lại, lật ngược lật xuôi rồi đưa trả chị:

- Đọc lên xem nào! Có hai thím cháu chứ có ai mà sợ.

- Thím không được hở với ai - Chị Túc mặc cả.

- Con bé này, chuyện trẻ con!

Chị Túc thở sâu mấy cái rồi bắt đầu đọc:

"Quảng Trị ngày...
Em yêu quý!".

Chị Túc phải dừng lại để lấy hơi.

- Của ai đấy? - Mẹ tôi hỏi nóng sốt.

Chị Túc giả tảng không nghe thấy, tiếp tục đọc một cách khó nhọc:

"Có thể chỉ lát nữa, tôi sẽ không còn trên mặt đất này. Trận bom ác liệt lúc chiều đã cướp khỏi tay tôi hai chục chiến sĩ. Chắc chắn rồi sẽ đến lượt tôi. Chiến tranh là may rủi. Là cuộc chơi đỏ - đen tàn khốc nhất: phải được cả hoặc mất tất! Nhưng hãy còn một lát nữa để tôi kịp chuẩn bị lần chót cho cuộc ra đi không bao giờ biết trước. Giờ này trăng vừa lên. Thật kỳ lạ khi tôi có cảm giác tất cả để bình yên, tuồng như chiến tranh bị đẩy lùi mãi, chỉ còn như một dư âm. Và tôi chờ đợi. Em có biết tôi chờ đợi điều gì không? Tôi... chờ em bước ra từ vầng trăng. Em sẽ băng bó những vết thương, làm nguội mặt đất, bởi vì em là vị Phúc thần của những người lính trận như tôi...".

Chị Túc không sao đọc tiếp được nữa và mẹ tôi phải giằng lấy đọc tiếp phần cuối. Tôi không biết lá thư nói tiếp những gì, chỉ thấy sau đó cả mẹ tôi và chị Túc cùng im lặng. Bỗng mẹ tôi thở dài đánh sượt:

- Ôi chao, bao giờ cho hết cảnh binh đao! Này, có phải của cái anh chỉ huy ấy không?

- Vâng, chính anh ấy.

- Nghe thư tôi đủ biết. Người cao ráo thế, thảo nào... cũng thật tội nghiệp cho anh chị.

Nhưng chị Túc chợt khóc nấc lên:

- Đêm chia tay... anh ấy... chỉ... xin cầm tay cháu một lần... mà không được... chắc anh ấy đau khổ lắm... hức hức...

- Anh ấy sẽ càng yêu cháu... ừ, giá như... Mẹ tôi vờ cúi xuống xoay lại thế nằm của tôi. Rất nhanh tôi thấy mẹ tôi quệt tay áo lên mắt.

*
* *

Đông Hà ngày...
Khe Sanh 9 giờ ngày...
Nam Lào, bên một tảng đá có khóm hoa Trinh nữ ngày...

Chị Túc sắp xếp những lá thư theo thứ tự ngày tháng. Có lá gửi từ mùa hè, đến tay chị Túc đã mùa đông. Có lá dường như được viết giữa cảnh rừng được nơi tận cùng đất nước. Thảng hoặc có lá thư do bị lưu lạc quá lâu, qua quá nhiều nơi, đến mỗi trạm đều có chữ viết thêm đằng sau phong bì: "Nhanh lên đồng hương". Rồi ở trạm khác lại có dòng viết vội" "Đã duyệt và thấy cần phải lưu hành". Cho đến một trạm nào đó, dòng chữ viết lấp lánh một ánh mắt lính: "Tình yêu thời chiến phải thần tốc. Gửi đồng bào miền Bắc triệu cái hôn"...

Chị Túc trân trọng những tình cảm trận mạc như giữ cho mình một báu vật. Trong hàng trăm lá thư nhận được, chị Túc chỉ viết trả lời được mươi người. Số còn lại không có địa chỉ. Điều đó khiến chị Túc day dứt. Nhưng điều chị khổ tâm nhất chỉ mẹ tôi biết, anh chỉ huy viết lá thư đầu cho chị, thay lời cầu hôn không thấy thêm một lời hồi âm nào khác. Thời gian ấy mặt trận B1 đang bước vào giai đoạn quyết liệt.

*
* *

Chị Túc là tổ trưởng tổ "phòng gian, bảo mật" của xã. Từ 7 giờ tối, đội phòng gian có quyền xét hỏi bất cứ người lạ nào qua làng. Chiến tranh lan ra miền Bắc. Những tên điệp viên cải trang dưới mọi hình thức dò dẫm vào bất cứ nơi nào nghi có lực lượng quốc phòng. Làng tôi là một điểm đáng chú ý của chúng. Huyện vừa thông báo trường hợp lão ăn xin bị tổ dân quân của chị Túc bắt bữa trước chính là một gián điệp cải dạng.

Làng xóm im lìm như sắp vào trận.

Nhưng trăng thì cứ sáng, bất chấp cả chiến tranh. ở phía đê Bộc vẳng lên từ hội gặt lúa đêm những câu hò vừa chua ngoa vừa tình tứ. Mọi đêm cùng gặt, chị Túc rất sợ tụi này. Làng chỉ toàn đàn bà nên bọn con gái trở nên bạo mồm bạo miệng. Đã có lần chị bị đám đàn em ấy bao vây, bắt phải cung khai tên tuổi người yêu. Bí quá chị Túc đành nhận "yêu lính". Tưởng thế là xong, ai ngờ chúng cùng hét lên:

- Hôn nhau chưa?

Chị Túc sắp ngất xỉu thì một đứa trả lời thay:

- Rồi!

- Cảm giác thế nào?

- Như điện giật!

Thế là chị Túc bỏ chạy. Trông chị lúc ấy thật tội nghiệp.

Tiếng hò vẫn lúc xa, lúc gần tùy theo hướng gió. Chị Túc có cảm giác từng câu hò đang trôi bồng bềnh về phía chị. Gió phả hương lúa mát rượi vào ngực chị "có thể cả những câu hò". Chị thầm nghĩ. Chị đặt ghếch súng qua vai, mặt dõi vào biển sương mù lãng đãng...

Có tiếng người bước rất khẽ trên cỏ. Dưới ánh trăng chị Túc nhận ra cái dáng cao lớn của một gã con trai. Đến gần chỗ chị Túc, bóng đen đứng im phắc. Chị Túc run run xốc lại súng, khẽ hỏi bằng giọng nghiêm khắc:

- Ai?

- Tôi.

- Tôi là ai?

- Tôi là kẻ cô đơn.

- Nói rõ ra ngay, anh làm gì ở đây, không tôi bắn.

- Ngày nào Túc chẳng "bắn" tôi chưa thỏa à?

Giọng trả lời có vẻ thiểu não nhưng không giấu được chất nhơn nhớt của kẻ biết rõ đối tượng trước mặt. Nhưng cũng chính cái giọng ỡm ờ ấy của gã đàn ông khiến chị Túc bình tĩnh lại ngay. Anh ta ra đây vào giờ này làm gì nhỉ. Cái anh chàng luôn chải chuốt, từng xoắn lấy chị vào buổi làng mở hội thi nấu cơm. Nhớ rồi. Anh chàng Hào công tử, con ông phó Dộc. Tuy cùng lứa, cùng làng nhưng cả năm cả đời chị Túc chỉ thoáng gặp anh ta vài bận. Hầu như Hào không bao giờ có mặt trong đám trai làng. Chớm đến tuổi nghĩa vụ, lấy cớ theo học nghề của bố, Hào biến mất tăm. Rồi bất chợt anh ta lù lù có mặt ở hội nấu cơm thi, bảnh bao như một trí thức thành phố. Anh ta bám chặt lấy chị Túc khiến có lúc chị mất bình tĩnh. Tuy vậy ở vòng một: nấu cơm trên cạn - chị vẫn giật giải nhất ngon lành. Mở vung cơm ra, mùi gạo tám bốc lên nao núng cả người. Những hạt cơm, trăm hạt như một, còn nguyên hình hạt gạo nhưng đưa chiếc đũa cả vào, bàn tay cảm nhận thấy ngay độ mềm, xốp đúng độ của hạt cơm vừa nước, chín tới. Bát cơm không khác gì bát bông! Ban giám khảo là các cụ rất khó tính, sành ăn, chỉ việc xếp chị Túc lên hàng nhất.

Sang vòng hai: Nấu cơm dưới nước. Điều kiện thi thật ngặt nghèo. Người dự thi được cấp một bó mía xương gà, loại mía dòn và mềm, một chiếc nồi và một bao diêm. Mía xương gà phải nhai hít lấy nước để bã có thể cháy được. Mọi động tác không được thừa một ly, thiếu một tý. Phải tính toán thế nào để mía hết, cơm đủ chín và nhanh nhất. Thế mới đúng cái nghĩa "gái đảm hậu phương" như tên cuộc thi. Bị hàng ngàn cặp mắt đông nhất là bộ đội "chiếu tướng" chị Túc lúng túng mất lúc đầu vì chiếc "thúng" hình vỏ dưa cứ "giã gạo" trên mặt nước. Nhưng giải nhất vẫn thuộc về tay chị để tiếp tục vào vòng ba, cũng là vòng cuối cùng. Vẫn các điều kiện của vòng hai nhưng người dự thi từ "cô gái" của vòng một "người vợ" của vòng hai bắt đầu "làm mẹ" ở vòng cuối cùng. Người ta trao cho "người mẹ" một đứa bé đang tuổi nghịch. Chỉ cần đứa bé khóc một tiếng coi như hỏng thi. Chẳng biết xưa kia ai nghx ra cái trò này để kén con dâu? Chị Túc thẹn đỏ mặt với ý nghĩ ấy. May mà bẩm sinh cho chị có một sự hiền dịu tuyệt vời. Từ đầu đến cuối vòng thi, đứa trẻ cứ hết ôm cổ "mẹ" lại giơ tay chào "các chú bộ đội", đến cho nắm bã mía cuối cùng. Cũng là lúc hơi cơm chín đẩy vung bốc ngào ngạt. Tất cả những người nín toở theo dõi trên bờ hò reo như sấm khiến suýt hắt chị và đứa bé xuống nước.

- Em là cô Tấm trăm phép mầu chứ không phải người trần mắt thịt.

Vẳng bên tai chị là lời tụng ca không ngớt của "anh ta". Khi chị rẽ đám đông để thoát ra ngoài, "Anh ta" liền bám theo như cái đuôi. Cách chị một đoạn "anh ta" lầm lì bước với vẻ đau khổ của kẻ bị bỏ rơi. Giờ đây lại chính cái giọng ấy, đượm thêm sự cầu khẩn van lơn. Chị Túc thấy trào lên chút thương hại. Chỉ có điều tại sao anh ta không ra trận? Dạo ấy lời thắc mắc như vậy là điều tai hại không lường cho chàng trai nào đó "tụt lại". Một là anh ta sợ chết. Hoặc nếu không, hẳn có thể anh ta bệnh hoạn, khiếm khuyết gì chăng?

- Anh ra đây là gì - Chị Túc dịu giọng.

- Vậy là cuối cùng sự kiên nhẫn của tôi không đến nỗi uổng.

- Có ai bắt anh phải kiên nhẫn "ở lì" một chỗ đâu! Chị Túc vẫn nhẹ nhàng.

Gã đàn ông "có tật, giật mình" hiểu ngay ý mỉa mai của chị Túc, vội lên tiếng.

- Đừng nghĩ rằng tôi sợ chết. Sáng mai tôi sẽ khoác ba lô ra trận ngay, nếu đêm nay...

Chị Túc thấy lạnh sống xương. Gã đàn ông đã ở rất gần thừa cơ sán lại.

- Trăng đẹp thế này mà tâm hồn Túc cứ lạnh như giá vậy ư?

- Không cẩn thận tôi giải anh lên huyện đấy.

- Túc không thể ban cho tôi một thời cơ để tôi thanh thản ra đi sao? Túc có biết có tôi chưa ra trận vì lẽ gì không? Tôi yêu em...

- Vớ vẩn! Anh không thấy xấu hổ khi đặt điều kiện ấy à?

- Tôi không đi đâu cả, nếu không được một lần quý dưới chân em, để nghe từ miệng em lời thú nhận rằng em chưa từng yêu ai...

- Nếu anh thật lòng quan tâm đến tôi như một người bạn thì tôi cũng thật lòng cảm ơn. Chỉ có thế thôi!

- Chỉ có thế thôi! Trời ơi, làm sao em tàn ác thế. Em biết thừa rằng tôi yêu em, không thể thiếu em. Em biết thừa rằng đời tôi sẽ còn lại gì nếu không có em trong tất cả những gì tôi sẽ lao vào. Xin em cứ việc nguyền rủa, đánh mắng tôi như đánh mắng một con chó, chỉ cần em đừng tàn ác như lời em vừa nói, không đúng với tình hình hiện nay của em.

Tự nhiên trái tim chị Túc dịu xuống bằng cái bản tính nữ giới tuyệt vời của chị. Dù sao anh ta cũng có vẻ cô đơn thật. Một người đẹp trái, sang trọng như anh ta lấy đâu chẳng được vợ giữa buổi đàn ông đi hết sạch này. Chị thương hại.

- Anh ngồi xuống đây. Nhưng tôi xin nói trước, trái tim tôi đã trao cho một người, không còn chỗ để nhận những tình cảm tôi tin là rất chân thật của anh.

- Đừng nói dối - gã đàn ông kêu lên - Tôi van em, tôi lạy em. Chỉ cần em nói em yêu tôi, ngày mai tôi sẽ yên trí ra trận, tôi sẽ lập công, tôi sẽ...

Anh ta dừng lại vì bắt gặp cái nhìn mênh mông từ cặp mặt mênh mông. Nhưng anh ta không hiểu gì cả. Anh ta không biết lúc ấy chỉ duy nhất có một người trong cặp mắt chị Túc. "Người ấy" từng ước thấy chị ôm bó hoa quấn dải lụa xanh bước ra từ vầng trăng. Và anh ta chỉ là gã đàn ông giúp chị gợi rõ thêm hình ảnh "người ấy" của chị. Mắt chị Túc càng mênh mông theo dõi vào khoảng vũ trụ đầy huyền bí. Gương mặt chị có đến mấy phút bất động, đẹp như pho tượng tạc bằng loại gỗ trắng. Nhưng tất cả vụt tan biến, tất cả nát vụn trong một tích tắc. Chị Túc thấy cái khối đen trước mắt nhảy dựng lên rồi đổ ụp xuống. Toàn thân chị sắp tan thành đất. Chị chơi vơi như đang rơi xuống cái hố đem ngòm. Trời sao quay cuồng ngay trước mắt chị cùng với tiếng giật lép bép của mầm cỏ bị chà xát. Chị định hét len"buông tôi ra" nhưng bàn tay gã con trai đã bịt chặt lấy miệng. Anh ta trườn như con bò sát không lồ trên cơ thể chị, đôi tay tham lam đang bóp vụn tất cả những gì lọt vào nó. Chị thấy ngạt thở và muốn nôn. Toàn thân chị co dúm lại. Vầng trăng vỡ òa ra, ứa máu. Nhưng vào giây phút ấy, cái giới hạn của sự thiêng liêng bị đẩy đến mép oờ vực ô nhục đang ở tích tắc cuối cùng, có một sức mạnh nào đó, chưa từng có ở chị bởi còn tiềm tàng mãi nơi đáy lòng tin, nơi tận cùng của điều thâm nghiêm phải giữ bằng mọi giá đã giúp chị lật sấp người xuống. Tiện thể chị co chân đạp một cái thật mạnh vào khối đen đang mất hướng, khiến anh ta rống lên một tiếng như con chó bị đánh. Chị chuồm bật dậy, chộp khẩu súng, đứng lùi xa một đoạn.

- Mày tỏ tình kiểu ấy phải không? Giọng chị Túc sắp bật thành lửa - Tao sẽ trả lời mày theo kiểu của tao.

Gã đàn ông còn ôm bụng lăn lóc chán để nghe tiếp lời tuyên án:

- Thì ra mày trốn lủi cái chết để định tạo ra những cái chết khủng khiếp khác phải không?

- Tôi chỉ chứng tỏ tình yêu của tôi.

- Tình yêu của quỷ sứ! Cút ngay khi tao còn chưa kịp lên đạn.

Gã đàn ông lồm cồm bò dậy, quần áo tơi tả, cắm đầu đi qua họng súng đang chiữa về phía anh ta. Đi một đoạn anh ta quay lại, nói vớt vát:

- Thèm chết cha còn làm bộ...

- Phải, tao thèm, tao rất thèm một gương mặt đàn ông nhưng không phải một con quỷ như mày.

- Dù sao đây cũng đã... là thằng đàn ông đầu tiên... Giọng gã đàn ông tráo tơở đến khả ố. Thay cho lời đối lại. Chị Túc kéo quy rát đánh "roát" cùng với bước nhảy cỡng lên của gã đàn ông. Chị mím môi rê nòng súng theo bóng đen đang chạy thục mạng. Khi đầu súng đã dính chặt vào lưng gã, chị liền nhắm mắt lại. Nhưng tay chị lả dần xuống cùng với ý nghĩ chợt loé lên "cứ để cho nó sống. Loại người đó gống còn khổ hơn chết".

*
* *

Tôi không còn nhớ đã bao nhiêu lượt đơn vị bộ đội dừng chân ở làng tôi. Có thể vài chục lần. Những người lính trẻ măng ra đi ngày ấy đều hẹn ngày nào đó sẽ trở lại. Chiến tranh đang một mất một còn nên cái "ngày nào đó" thật xa vời. Hàng chục năm sau vẫn không thấy một ai trong số hàng vạn chiến sĩ đã từng ở làng tôi trở lại. Nhưng lần oào cũng vậy, cứ cái điệp khúc bi tráng: -"Ngày nào đó...".

Cũng vài chục lần làng tôi háo hức chờ những lá thơ. Có lá ra đến miền bắc, người viết nó không còn. Có lá viết nguệch ngoạc vài ba câu hỏi thầm như lời hấp hối vội vã. Người nhận được nhiều như nhất, tất nhiên vẫn là chị Túc. Có thẻ có người chưa kịp đọc lời yêu thương của chị đã thịt nát xương tan ở một cánh rừng nào đó. Nhưng tất cả những người lính ấy đều không thể không mang hình ảnh chị trước lúc ngã xuống để laị cho người đời hàng ngàn bí ẩn về chiến tranh.

Chị Túc bước sang tuổi ba lăm đúng vào năm hàng triệu người cười, khóc vì mừng tủi. Mẹ tôi và chị Túc cứ gặp nhau là ghì nhau xuống giường, chan nước mắt lên ngực nhau. Rồi chị Túc bắt đầu sợ những nơi ồn ào. Cùng với niềm vui chiến thắng những giọt nước mắt của chị Túc lẫn cả vào nỗi tủi hờn của tuổi ba lăm! Khi tỉnh táo lại, chị lặng lẽ đến bưu điện lục tìm điên cuồng trong đống thư gửi từ miền nam. Chị câm lặng làm cái việc "mò kim đáy bể" ấy suốt cả tháng ròng. Vẫn không thấy dấu hiệu nhỏ nào của những người từng hẹn "ngày nào đó". Lẽ nào chiến tranh đã ngốn hết sạch họ? ở làng bắt đầu rì rầm bàn tán. Những người bằng tuổi chị, chỉ may mắn hơn do chồng đui, điếc, để có cả một bầy con, dè bỉu chị điên rồ, lãng mãn, dở hơi... Trong hàng mớ lý lẽ thực dụng của họ không phải vô lý cả. Họ cho rằng có bao nhiêu làng quê trên đất nước này từng là nơi người lính dừng chân. Vả lại sau chiến thắng còn ti tỉ thứ khiến anh nghĩ đến trước. Anh ta cũng có bố, mẹ và một vùng quê. Họ cho rằng, mỗi người có một bổn phận. Bổn phận của chị Túc là phải làm vợ ai đó còn sót lại để làm tròn nghĩa vụ của trời trao cho người phụ nữ. Chị chờ ai, chờ cái gì mà điều đó đem lại cái gì? Một thân phận héo mòn, cô đơn. Chả nhỡn tiền ra đấy ư? Khối kẻ sau chiến thắng liền quên phắt mình đã từng sống được nhờ lời ước hẹn thủy chung của ai đó, tự cho mình một cái giá cực đắt để vỗ tuột tất cả? Những ngày đó, những lời đó khiến chị Túc sống gần như nghẹt thở. "Lẽ nào anh ấy lại cũng trong số những kẻ đó. Anh có còn chờ em bước ra từ vầng trăng nữa không nếu anh còn sống?".

Rồi cả làng lại thấy chị Túc ra đi, âm thầm như con vạc lẻ đàn. Lần này chị đi là đi một biệt. Khắp làng, như mọi khi, lại bùng lên từng đợt đủ thứ bàn tán. Kẻ rỗi mồm nhiều vô cùng nên cũng nhiều chừng ấy những lời đồn tai quái. Người này cho rằng, chị bị loạn tình do thèm khát đàn ông. Người kia cho rằng chị Túc không chịu nổi những tiếng pháo nổ liên miên mùa cưới. Tiết trời heo may, hun hút thế này với một người đàn bà ba lăm! Chị túc đi được mấy tháng thì anh Hào về. Không ai ngờ anh còn gống kể từ cái đêm suýt chết trên đê Bộc và sáng hôm sau bị áp giải lên huyẹen theo lời đề nghị của tổ trưởng tổ phòng gian bảo mật. Anh Hào về, có lẽ là sự kiện quan trọng nhất làng tôi. Anh đeo lon thiếu tá, pgóng một chiếc hon đa "sáu bảy" đen trũi, cuốn bụi mù mịt. Chó của cả làng sủa váng lên chạy theo. Bọn trẻ con ùa ra đón anh. Trên cái đèo hàng, một kiện gì đó to bằng một chiếc tủ khiến những cặp mắt "cổ hủ" làng tôi bị cái hình ảnh hiện đại ấy làm cho lóa mắt. Mội người quên nghe chuyện chị Túc để hướng về anh nào. Anh vạm vỡ, hồng hào tựa như chiến tranh chỉ là một trò chơi rất bổ ích. Anh cười nói oang oang, béo má đám con gái bị dồn về một xó. Nhà cụ Phó Dộc trở thành điểm thu hút trí tò mò mạnh mẽ nhất. Người ta kéo đến để "vì tình làng nước" hút một điếu ru-bi, chê khét như lông chó, sờ tay vào con búp bê Nhật biết mở mắt nhắm lại, để hỏi "tình hình miền nam, thấy bảo "trong đó" hàng hóa vứt bừa bãi như ta vứt rác ngoài này", để "xem thằng Hào làm gì mà vơ được lắm của thế?". Vả, tất nhiên, "để mừng cụ Phó Dộc có cậu con leo đến hàm tá!".

Anh Hào trở thành thần tượng làm khuôn mọi lời giáo huấn hay nhất từng có ở làng tôi. "Cứ trông thằng Hào đấy". "Cũng là mang nặng đẻ đau, con người ta vừa "đỏ ngực" vừa khuôn của thiên hạ về dưỡng bố", v.v. Đáng nghe hơn cả là những lời kể từ miệng anh Hào. Anh kể về chiến tranh như các bà ở chợ nói về giá cả. Nào là những hầm rượu Pháp còn chưa có chủ nhân, ai lấy bao nhiêu tùy ý. Nào là một tổng kho nào đó có têể tặng bất cứ ai vào thăm một chiế đồng hồ mã vàng, còn loại xe tàng tàng như anh đi thì naà nào cũng dăm ba chiếc cho trẻ đi học. Tất nhiên những điều đó anh Hào kể rất hào hứng, tuồng như việc hy sinh cả triệu người kia chỉ để cho những người như anh tha hồ đe nẹt bọn tư bản, địa chủ, để cần gì là được ngay thứ đó như trong chuyện cổ tích.

Khi "cao trào" thăm hỏi đã giảm xuống thì đến lượt các loại khách ở nơi khác đến. Những ông khách này ra vào im lặng, trao đổi bằng mắt phần nhiều và khi ra đã có người nhà làm "cọc tiêu" ở ngõ. Cụ phó Dọc bỏ hẳn nghề đục đoẽ, thứ bảy, chủ nhật lại "xách một túi" đi đâu không biết. Tất cả không qua đoợc con mắt tò mò của làng tôi, họ còn biết cả rằng anh Hào chưa biết lấy đường ngắm cơ bản! (Tin này thì chính xác vì làng tôi có đội dân quân, thấy bảo đã có lần rước anh Hào làm thấy).

Anh Hào đã quá phép ba ngày. Cụ phó Dộc đâm ra ủ ê vì lý do anh không chịu lấy vợ. Riêng việc vì sao anh nấn ná chưa đi thì cụ phó và cả làng không ai biết.

Anh Hào chờ chị Túc. Anh còn mối hận năm xưa với chị trên đê Bộc. Nhưng trong ký ức anh, khuôn mặt thiên thần của chị vẫn là mối thách đố, không chịu được. Nó át đi cả ý nghĩ trả thù vẫn cứ nung nấu trong sự suy nghĩ của anh. Cần thiết anh vẫn cứ quỳ xuống như thường.

Sự chậm chạp của anh cũng không uổng. Còn hai ngày nữa là trọn một tuần anh ở "rốn" lại thì hôm sau chị Túc về. Mười phút sau "đề tài chị Túc" lại át mất "đề tài anh Hào" trong chương trình "thời sự làng tôi". Anh Hào có ý không rời bộ quân phục tá, nổi bật lên đôi quân hàm đỏ chói. Bỗng anh giật mình khi thấy đứa trẻ con nào đó bi bô "bà Túc", đến mức mồ hôi anh vã ra. ừ nhỉ! Người đàn bà ấy đã sắp sang tuổi bốn mươi. Tại sao anh quên khuấy mất điều đó. Khỉ thật! Mình đã uổng công chờ một phụ nữ đã tàn phai tất cả những gì khiến mình say mê, khiến mình phải sống bằng mọi giá, bằng mọi giá để trở về. Thì cũng nên biết "cô ta" thế nào!

Anh Hào lại chọn đúng cái điểm từng bị chị Túc dọa bắn năm xưa, làm nơi chờ chị đi qua. Anh sợ không nhận ra chị từ xa nên thuê một đứa bé điếu ru-bi để nó làm hộ điều ấy. Rồi người anh đợi cuối cùng đã xuất hiện. Khi đứa trẻ "báo động" "cô ấy kia kìa" tim anh đa khẽ nhảy lên một nhịp khác thường. Cô ta kia ư? Làm sao anh có thể tin được. Điều quan trọng nhất là không cho cô ta biết mình là ai. Toàn thân anh vã mồ hôi khi người đàn bà da mặt xanh xao, hơi có dấu hiệu phù nề cứ tiến thẳng về phía anh. Không kịp chạy nữa rồi. Và anh thở phào khi người đàn bà đó lặng lẽ đi qua. Thế là thoát! Cần phải chuồn thật nhanh. Anh không biết rằng có một lần người đàn bà đưa mắt qua vai, nhìn chiếc cổ béo núng của anh, không mảy may xúc động.

Sáng hôm sau, anh Hào đi từ gà gáy. Chó của cả làng đuổi theo xe của anh ra tận đê Bộc. Con đường chi chít vết chân trâu khiến chiếc xe nhảy chồm chồm. Từ đấy đến huyện không một lần nào anh Hào ngoái lại.

Nhật ký của chị Túc

Ngày...

Mình đã lục gần hết đống thư khổng lồ ở Bưu điện Hà Nội. Mấy cô nhân viên thật tốt bụng. Hàng ngày họ phải đáp ứng đủ thứ yêu cầu rắc rối, lại thêm cả yêu cầu quái đản của mình. Vẫn không thấy anh ấy đâu. Kìa, Kiều nào kia? Nếu chính là anh Kiều năm xưa có thể biết chút ít về anh ấy. Tim mình đập loạn xạ lên. Làm sao thế này? Mình run run lật đi lật lại tấm phong bì. Khỉ quá! Cô Kiều chứ không phải anh Kiều. Có mấy người cũng lục tìm như mình, thỉnh thoảng một người lại rú lên rồi chạy như hóa ra phố. Bao giờ cho đến lượt mình?...

Thế là đã hai ngày mình biến khỏi làng Hạ. Giờ này không biết mọi người nghĩ gì về mình. Một con điên! Thì mặc xác họ. Mình chỉ thương Lê, Lê khổ quá. Lê lấy chồng bảy năm không có con, chịu mọi đòn búa của dư luận. Rồi ca lão bố chồng tai ác, một con quỷ hình người. Chính lão lập mưu để con trai lật giường đuổi Lê ra khỏi nhà giữa đêm mưa bão. Nào ngờ kẻ mò đến ngôi miếu đầu tiên lại chính là lão bố chồng ấy. Lê chưa kể cho mình cách lão ta van xin thế nào. Nhưng mặt Lê đủ đoán ra Lê vừa trả được mối thù bằng cách hiến thân cho lão bố chồng. Có lẽ Lê tin bằng cách đó sẽ xé toạc tấm màn đạo đức giả của gia đình nhà chồng. Cô bắt họ chịu cầm tù trong cái mê cung vô luân, để như một dòng họ nào đó để đến lúc tuyệt diệt.

Làng Hạ ngày nay khác nhiều quá, người ta bắt đầu tập thói quen dửng dưng với mọi chuyện.

Ngày...

Vẫn không thấy anh ấy. Tổng cộng tới bốn mươi Mạnh nhưng không có Mạnh nào của mình. Hay anh bắt mình sang thế giới bên kia vẫn lang thang tìm anh, để thử thách lòng chung thủy. Thật là gở! Mình vẫn tin, nếu còn sống nhất định anh sẽ trở lại. Trăng dịp này đang xanh...

Ngày...

Mình chợt nảy ra ý định ấy khi nhìn thấy một anh thương binh ngồi lẻ loi trên ghế đá. Hình như thế giới náo nhiệt xung quanh không tới được anh. Sao anh ấy buồn thế? Anh bị cụt một chân, một tay và chi chít vết thương trên mặt. Khuôn mặt khắc khổ cua anh, im lìm lạc vào trời chiều. Cặp mắt anh không hướng về cái gì cụ thể. Ngoài mình ra có ai để ý đến người tàn tật kia không nhỉ? Cách chỗ anh mấy mét, đôi trai gái đang vờn nhau như mèo. Trời ơi, họ làm gì thế kia khi trời chưa kịp tối... Mình muốn bỏ chạy vì không thể còn gì ghê tởm và tàn ác hơn... Ghê tởm vì... (Hay là mày ghen với người ta đấy hả Túc?). Nhưng độc ác thì quá chừng. ít ra họ cũng nên biết có một kẻ mất mát gần hết đang cô đơn ở ngay bên cạnh họ. Mà lạ chưa! Ngay cả điều đó cũng không tới được anh. Anh vẫn ngồi câm lặng, mắt nhìn những ngôi sao cũng đang muốn chạy trốn. Trông anh như cái bóng trong bức tranh đen trắng. Bất chợt anh ngước nhìn mình. (Sao lại nhìn mình?) Trời ơi, mình làm sao có đủ sức để chịu đựng cặp mắt buồn mênh mông, như từ đó đang ùa ra từng mảng tối sẫm trong khu vườn đầy ánh trăng... của anh. Đến lượt mình ngồi bất động. Hai con người của thế giới hiện đại kia đã xong việc, mệt mỏi và chán ngắt. Họ sẽ kéo nhau vào một tiệm ăn nào đó để "tái sinh" cái gánh nặng đè lên hai chân họ. Hình như họ mới là những kẻ cô đơn!

- "Tối rồi!".

Mình giật bắn mình, sợ hãi ngước nhình anh đã ở bên cạnh từ lúc nào.

"Vâng, tối rồi". - Mình đáp lại như cái máy - "Anh chờ ai ở đấy?".

"Không ai cả! Chỉ do tôi thích được ở riêng một mình một thế giới!".

"Ngày nào cũng thế?".

"Đã nửa năm... và sẽ đến hết đời".

Chiếc chân gỗ nện xuống mặt đá lộc cộc và cứ thế xa dần cho đến khi tấm lưng của anh hòa tan vào màn đêm. Ôi biết đâu "anh ấy" của mình cũng giống như anh thương binh kia? Biết đâu "anh ấy" cũng tưởng tượng ra cảnh mình đi lấy chồng có một đàn con, để hành hạ chính anh bằng cái hồi ức về quá khứ? Không, em sẽ tìm anh. Sẽ tát cho anh một cái trước khi chan nước mắt lên ngực anh.

Ngày...

Tất cả mười tám trại thương binh nặng mình đã đến, đều không có anh. Những thương binh ở đủ mười tám trại, khi trả lời mình họ đều nói một câu gần giống nhau: "Có thể anh ấy đã chết". Tại sao họ lại nói như vậy về đồng đội? à, có lẽ họ nói về chính họ. Họ tự cho họ cái quyền thay mặt đồng đội để thử thách mình. Không, điều đó chứng tỏ anh ấy còn sống, đang đau khổ nghĩ về mình ở cái trại thương binh cuối cùng mà mình chưa kịp đến. "Làm sao em biêt hết nước này có bao nhiêu trại thương binh". Mình thấy giận anh ấy quá chừng.

Ngày...

Hôm nay thì mình tin anh ấy đã chết, hoặc đúng hơn, anh ấy còn mãi mãi. Không hiểu ai xui cho mình lang thang vào viện bảo tàng chiến tranh. Ôi, cuộc đời thật trớ trêu! Vì tất cả những "kỷ vật" kia mà mình tin và chờ đợi. Nhưng chính nó lại ngầm thông báo có biết bao nhiêu chàng trai đã ra đi và ngã xuống. Mình buôn bã ngắm một bức họa, mầu loang lổ. Trời ơi, sao lại có hình mình treo ở đây? Rõ nhận vơ! Chắc là một cô du kích anh hùng nào đó. Lớp bột hòa tan từ chất diệp lục khiến bức họa như được xếp bằng hàng ngàn chiếc lá. Nhưng sao, nhưng sao... mình muốn bỏ chạy ngay tức khắc để thoát khỏi cặp mắt trên bức vẽ. Tiếng hô thuyết minh chợt vang lên (may quá!):

- "Đây là một trong những kỷ vật đặc sắc nhất của chiến tranh mà chúng tôi kiếm được trên thi thể một chiến sĩ ngã xuống trước cửa ngõ Sài Gòn. Có lẽ anh đã mang tấm hình cô gái này trong tim suốt thời chiến tranh, bởi vì xin các vị chú ý dòng chữ nhỏ bên dưới "thần chiến thắng". Có lẽ anh nảy ra ý định vẽ lại người yêu vào một đêm trăng... Một vị khách của nước bại trận đã đặt giá cả triệu đôla để có được kỷ vật đã đem về Mỹ.

Mình đã bỏ chạy vì không đủ sức dối mình. Nhất định đây là một cô gái khác. Nếu đấy là mình... "Chúng tôi tìm thấy trong thi thể một chiến sĩ...". Không, không thể như thế được. Anh vẫn còn sống, ở nơi cuối cùng mình chưa kịp đến. Nhưng cái nốt ruồi ở mép dưới cô gái trong tranh, cái nốt ruồi, trời ơi sao mình chưa bao giờ biết mình có cái nốt ruồi ở mép dưới... mình đã đập tan chiếc dương dối trá"...

Ngày...

Đã 3 tháng mình lang thang bằng nỗi vô vọng và cái niềm cay đắng. Mình trở lại và ngồi trên chiếc ghế đá hôm nào. Vẫn anh thương binh ấy, thêm ba tháng nữa vào cái sáu tháng "một mình một thế giới" trước đây của anh. Cách đấy mấy mét không phải đôi "hiện hại" bữa nọ, mà là bông hoa ai đó để quên. Bông hoa tím sẫm lại dưới trời chiều, như vết máu loang.

"Tối rồi!".

"Vâng, tối rồi!".

"Chị tìm gì ở đây?!".

"Không - gì - cả! Chỉ là sự trở lại".

"Tôi tin thế!".

"Anh tin gì cơ?".

"Tôi tin chị sẽ trở lại".

"Thật kỳ lạ!".

"Phải, lạ lắm. Lạ, nhưng tại sao cả tấm sắt thép đè lên tôi nhưng tôi vẫn cứ sống để trở về. Bởi vì - tiếng anh đau đớn - tôi biết thế nào cũng có người không tìm cái gì như chị!".

"Và một người không - chờ ai như anh?".

"Không, cả tôi và chị, chúng ta đều nói dối. Chị đang đi tìm cái đã mất, mà với chị, không gì thay thế được, nên cuộc đời này không còn gì đáng cho chị tìm. Còn tôi, tôi chờ một người".

"Tôi cũng chờ một người, nhưng anh ấy đã chết. Có lúc tôi nghĩ anh ấy cũng giống như anh. Liệu có khi nào anh nghĩ một phụ nữ cũng giống như tôi, đang chờ anh không?".

"Khi tôi hăm hở lao vào cuộc chiến, tôi chưa kịp đính ước với ai cả. Lúc đó tôi mới mười tám tuổi và có lẽ điều đó là một nỗi may lớn. Không ai trên đời vì tôi mà lương tâm cảm thấy bị vò xé, ngay cả bây giờ. Tôi xin chị, chị hãy đi ngay khỏi nơi này. Giấc mơ chỉ nên để nó thoáng qua. Kéo dài mãi sẽ là nỗi chịu đựng. Vả lại tôi cũng không còn sống được bao lâu nữa".

Anh loạng choạng dứng dậy, người lệch sang một bên. Tiếng lộc cộc xa dần, xa dần cho đến khi chỉ còn lại tiếng tim mình đập hối thúc, buốt nhói trong lồng ngực.

Ngày...

Anh đã trở lại, vẫn những tiếng lộc cộc, lộc cộc quả quyết và kiêu hãnh. Đến lượt mình nhắc lại lời anh hôm trước.

"Em tin thế nào rồi anh cũng sẽ trở lại".

"Thật ư?".

"Lẽ nào anh bỏ em một mình khi chính anh bảo em tối rồi?".

Anh nhìn sâu vào mắt mình, gương mặt bừng sáng như trẻ thơ. Không hiểu sao phút đầu tiên mình trao cuộc đời cho anh, mình lại khóc dữ dội đến thế. Cả anh cũng khóc... Lúc đó mình tin rằng, chỉ cần nước mắt của anh hòa vào nước mắt mình, những thiên thần ở đó sẽ bước ra..

Ngày...

Chưa bao giờ mình được ngắm một khuôn mặt đàn ông kỳ lạ đến như vậy. Một chút cuồng nộ trong đáy mắt, với cái gì đó gần như nỗi khổ ải ở khóe miệng anh.

"Thật ư?".

"Những một tháng mà!".

Anh ngồi lặng đi, tay rờ rẫm lên những mạch máu li ti của mình. Chẳng biết anh có nghe thấy gì không. Còn mình thì mình thấy rõ tiếng hồi âm từ một thế giới xa xôi báo hiệu có cái gì như sự cộng hươngr của hai trái tim, đang nhoi nhóp, trường tồn và vĩ đại.

"Có thật!" hàm răng anh lấp lánh.

"Vâng, có thật!".

Anh vùng dậy, hú hét như hóa dại. "Có thật! Có thật!" . Tiếng chiếc chân gỗ nện xuống mặt đá dồn dập như tiếng bản nhạc hành khúc.

Ba ngày sau anh chết vì một cơn tái phát dữ dội.

*
* *

Giờ đây có ai về làng Hạ, hỏi đến chị Túc sẽ được mọi người trả lời thế này: "Chị Túc chửa hoang phải không? Cả làng ai còn lạ? Một dạo chị ấy điên tình bỏ đi lang thang rồi đem về một đứa con, chẳng hiểu sao từ bấy đến nay sống im lặng như người câm. Của đáng tội thằng bé mới đẹp chứ, cứ như từ trong tranh bước ra ấy. Ôi chao, hồng nhan bạc phận. Giá hồi ấy đừng bắc bậc làm cao, cứ lấy béng anh Hào bây giờ chả sướng một đời!". Làng tôi được mỗi anh ấy là khá. Đi bộ đội, một trận không qua, một viên đạn không bắn mà đến được hàm tá! Bây giờ thử hỏi đã ai sướng bằng anh ấy. Tuy vợ gàn dở, xấu xí nhưng con nhà quyền thế, của nả như nước. Anh ấy cứ việc bám áo bố vợ mà tiến vù vù. Vâng, cứ hỏi "chị Túc chửa hoang" thì cả làng chẳng ai lạ!

Không mấy ai còn nhớ xưa kia chị Túc xinh đẹp và tài đảm nhất làng.

Trạm điều dưỡng Thia
những ngày trời rét
I love you I love you I love you
Xưa kia chị đẹp nhất làng DuoitraiXưa kia chị đẹp nhất làng Duoiphai
Chữ ký của thànhviên
Về Đầu Trang Go down
boyk7_like_girlk7
gà tơ chăm chỉ
gà tơ chăm chỉ
boyk7_like_girlk7

Tổng số bài gửi : 287
Join date : 10/03/2012
Age : 34
Đến từ : huế _cố đô

Xưa kia chị đẹp nhất làng Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Xưa kia chị đẹp nhất làng   Xưa kia chị đẹp nhất làng I_icon_minitimeSun Mar 11, 2012 9:08 pm

Xưa kia chị đẹp nhất làng TrentraiXưa kia chị đẹp nhất làng Trenphai
Xưa kia chị đẹp nhất chuồng...í lộn.. nhất làng
Ngày nay chỉ đẹp một phần như xưa
Xưa kia chị đẹp nhất làng DuoitraiXưa kia chị đẹp nhất làng Duoiphai
Chữ ký của thànhviên
Về Đầu Trang Go down
 

Xưa kia chị đẹp nhất làng

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 Similar topics

-
» những lời chúc mừng sinh nhật ngọt ngào nhất
» ..........KHOẢNG LẶNG........
» sinh nhat noi xom tro!!! hay lem do!
» 50 tác phẩm văn học hay nhất mọi thời đại
» ĐIỂM 20 % MÔN VĂN HỌC ẤN ĐỘ - NHẬT BẢN

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
kết nối mọi thành viên VĂN.A-K7 :: TÀI LIỆU HỌC TẬP :: Văn học Việt Nam :: Tác phẩm-